Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Trần Thanh Vân-Ngôn ngữ Thơ tình học trò


Trần Thanh Vân-Ngôn ngữ Thơ tình học trò

Một số đặc trưng ngôn ngữ tình yêu
trong Thơ tình học trò

 

TRẦN THANH VÂN

 

NVTPHCM- Từ đặc trưng ngôn ngữ tình yêu trong thơ tình học trò có thể thấy rằng, chúngđã góp phần thể hiện được những tâm trạng, cảm xúc với những cung bậc khác nhau của những cô cậu học trò: hồn nhiên, ngây thơ, e dè, kín đáo nhưng cũng rất chân thật và mãnh liệt.

 

1. Mở  đầu

 Nói đến tình yêu là nói đến các cung bậc tình cảm: giận hờn, trách cứ, thề nguyền, hứa hẹn, mong mỏi, sầu thương, buồn nhớ, hạnh phúc… Với các nhà thơ, nhà văn, tình yêu luôn là đề tài muôn thuở. Tập Thơ tình học trò là nơi lưu lại những cảm xúc hồn nhiên, trong sáng nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng trong tình yêu của các cô câu học trò. Mỗi bài thơ là một tiếng lòng thổn thức, một niềm vui và cũng có thể là một nỗi niềm tâm sự. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số đặc trưng ngôn ngữ tình yêu trong thơ tình học trò. Tìm hiểu vấn đề này sẽ giúp ta có cái nhìn cụ thể hơn, cảm nhận tinh tế hơn về những cung bậc tình cảm sâu kín của tuổi học trò được thể hiện qua những lớp sóng ngôn ngữ. Đúng như nhà thơ Xuân Quỳnh đã từng nói: “Đừng lo đi tìm ngôn ngữ, cảm xúc sẽ tự lựa chọn được ngôn ngữ của mình”.

  2. Một số đặc trưng ngôn ngữ tình yêu trong thơ tình học trò

2.1. Về phương diện từ vựng

  Trong thơ tình học trò đứng ở phương diện từ vựng, chúng tôi thấy lớp từ ngữ góp phần thể hiện tâm lý, tình cảm rất đa dạng và phong phú gồm: lớp từ xưng hô, lớp từ miêu tả tâm trạng, cảm xúc, lớp từ chỉ không gian và thời gian, lớp từ chỉ màu sắc. Những lớp từ này đã đi vào thơ ca như một nguồn mạch riêng, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc.

2.1.1. Sử dụng lớp từ xưng hô

  Trong giao tiếp, xưng hô không chỉ dùng để xưng và hô mà còn nhằm định vị mối quan hệ giữa các đối tượng khi giao tiếp với nhau, là sự khởi đầu cho một quá trình giao tiếp và cũng là phương tiện để người nói bộc lộ tình cảm, thái độ của mình với người đối thoại. Bên cạnh những từ xưng hô thông thường trong tiếng Việt, thơ tình học trò đã góp thêm những từ ngữ mới không kém phần duyên dáng, tinh tế như: bạn, nàng, ta, người ta, ấy, cô ta, áo trắng, cô gái ấy, người thiếu nữ, người bạn nhỏ, cái mặt khó ưa, chàng trai, tiểu thơ, anh, em, o nớ… Đây là những từ xưng hô mang sắc thái biểu cảm rất rõ rệt:

 Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất

Anh cho em kèm với một lá thư

                               (Tình thứ nhất – Xuân Diệu)

- Cánh phượng đầu tiên lại nở hồng

Mùa hè lại đến ấy buồn không?

                        (Tâm sự - Võ Viết La)

  Các từ xưng hô ở đây có khi xuất hiện đơn lẻ nhưng cũng có khi xuất hiện thành cặp. Tuy vậy, trong thơ tình học trò, các chàng trai thường chủ động hơn trong việc thổ lộ tình cảm nên số lượng từ xưng hô chỉ người con gái cũng phong phú hơn. Khi xuất hiện thành cặp, các cô cậu học trò ưa lựa chọn các cặp xưng hô: anh – em, bạn – tôi, ấy – người ta, tôi – cô,… Nếu như xưng hô bằng anh – em thể hiện tình cảm gần gũi, thân mật, ngọt ngào thì ấy – người ta, cô – tôi, tôi – ai lại biểu thị sự e thẹn, ngại ngùng. Các chàng trai, cô gái ở đây chưa dám bày tỏ trực tiếp tình cảm yêu thương của mình. Bóng gió, xa xôi, e ấp, ngại ngùng nhưng rất tình tứ, đáng yêu. Có thể nói sự phối hợp giữa xưng và hô trong giao tiếp là hết sức quan trọng. Nó bao chứa một thái độ gắn với chiến lược giao tiếp.

2.1.2. Sử dụng lớp từ miêu tả tâm trạng cảm xúc

Tác giả Vương Trí Nhàn cho rằng: “đi sâu vào nội tâm là một con đường triển vọng”  [4, tr.467]. Là thi sĩ của những mối tình tuổi học trò, các nhà thơ đã sử dụng rất nhiều và linh hoạt lớp từ ngữ miêu tả tâm trạng, cảm xúc để góp phần thể hiện những cung bậc nội tâm sâu kín bên trong của người học trò khi yêu. Đó là các từ như: nhớ, thương, yêu, ngại, sợ, run, thương yêu, chờ đợi, xao xuyến, bồi hồi… Lớp từ này thể hiện một tình yêu còn nhiều ngại ngùng, giấu kín nhưng cũng rất mãnh liệt. Tình yêu tuổi học trò chưa thực sự có nhiều trải nghiệm. Nhiều khi chỉ là những tình yêu đơn phương một ai đó và họ không muốn có người nhận ra:

Thương thì lại sợ em chê,

Ngỏ lời lại ngại em trề đầu môi.

Đến trường ta ngó xa xôi,

Vào trong lớp học lại ngồi làm thơ.

Đôi khi mắt gặp tình cờ,

Ta thương muốn chết lại vờ quay đi.

                                 (Ngại ngùng – Nguyễn Tấn Phong)

  Đối với người đang yêu, yêu là thương, là nhớ, là trăn trở, xao xuyến, bồi hồi… Vì vậy, trong thơ tình học trò, các từ nhớ - thương, chờ - đợi, yêu – thương, mong – nhớ… thường đi sóng đôi với nhau thành cặp. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các từ láy thẩn thờ, bồi hồi, xao xuyến, ngượng ngùng, nôn nao, bối rối, cồn cào… cũng là một đặc trưng trong ngôn ngữ tình yêu trong thơ tình học trò:

Dịu dàng nhặt cánh hoa rơi,

Cớ sao bổi hổi bồi hồi con tim.

                   (Hoa phượng – Nguyễn Hoài Nhơn)

Đầu năm vào lớp gặp nhau,

Em làm nổi nhớ cồn cào tim ta.

                      (Ngại ngùng – Nguyễn Tấn Phong)

  Các từ láy này đã miêu tả được trạng thái cảm xúc của những cô cậu học trò mới bước vào yêu. Có cái gì đó nôn nao ở trong lòng vì niềm hạnh phúc, vì sự chờ đợi nhưng cũng thấp thoáng những nổi buồn, cái buồn vô cớ, sự thấp thỏm, lo âu. Tình yêu đó chưa phải là sự chiếm lĩnh cả thể xác lẫn tâm hồn nhưng nó cũng làm cho con người ta có những cảm xúc kỳ lạ, khó tả. Những từ ngữ này không sinh ra từ lý trí mà vụt ra từ những rung cảm bất ngờ, những dồn nén của tâm trạng.

2.1.3. Sử dụng lớp từ chỉ không gian và thời gian

  Điều dễ nhận thấy trong tập Thơ tình học trò đó là lớp từ chỉ không gian xuất hiện nhiều nhất là: khoảng sân, lớp học, ô cửa sổ, con đường, sân trường, giảng đường …

Em đã về đây anh có hay?

Sân trường lá rụng bước em say.

               (Ngày xưa – Bích Thủy)

Ôi giảng đường, những phút giây,

Trái tim tôi đã phủ đầy tóc ai.

                 (Trách mái tóc nào – Dương Ngọc Uyên)

Các từ chỉ không gian đều là không gian đặc trưng của tuổi học trò. Gắn với các không gian đó là các sự vật quen thuộc: cành  phượng đỏ, gói ô mai … Đó là nơi để các cô cậu học trò đùa vui, trò chuyện, tâm sự… Tình yêu của họ cũng lớn lên từ đó rất trong sáng, hồn nhiên và nhẹ nhàng. Để rồi, khi xa trường, xa lớp, xa bạn bè thân yêu, tìm về không gian ấy họ lục tìm những kỷ niệm của chính mình.

Bên cạnh lớp từ chỉ không gian là lớp từ chỉ thời gian: xuân, thu, hè,… đặc biệt là mùa hè:

rồi mùa thu gieo nỗi buồn lá rụng
gió sang đông nỗi nhớ gửi mưa bay
én gọi xuân thơ tình tràn lớp học
hè tan trường mất hút một dáng mây

                       (Áo trắng – Phan Hoàng)

  Riêng trong lớp từ chỉ thời gian, mùa hè là thời gian đặc trưng nhất. Khi tiếng ve sầu cất lên, hoa phượng cháy đỏ, mùa hè đến, các cô cậu học trò cảm thấy buồn, chạnh lòng vì sắp phải xa nhau.

2.1.4. Sử dụng lớp từ chỉ màu sắc

  Với các nhà văn, nhà thơ màu sắc là phương tiện quan trọng thể hiện sự cảm nhận trực tiếp thế giới và các phẩm chất của nó. Trong thơ tình học trò, chúng tôi nhận thấy các từ chỉ màu sắc xuất hiện nhiều là: hồng, đỏ, xanh, vàng, trắng, tím…

Không còn em mỗi mình tôi tựa cửa,

Phía hoàng hôn tím ngắt bóng chiều đi.

                                 (Ấm áp – Nguyễn Liên Châu)

Bởi em yêu sầu khổ dịu dàng,

Những kỉ niệm đầu đời xin hãy còn xanh.

                  (Bởi em sầu khổ dịu dàng – Nguyễn Tất Nhiên)

  Nếu màu xanh tượng trưng cho hi vọng, tuổi trẻ, tình yêu, màu trắng tượng trưng cho hình ảnh những cô học trò, sự trong sáng, thánh thiện, màu đỏ của phượng tượng trưng cho sự chia ly thì màu tím lại là nổi buồn sầu. Các nhà thơ đã sử dụng các từ ngữ chỉ màu sắc để vẽ lên bức tranh tình yêu tuổi học trò với những gam màu tâm trạng.

 

2.2. Về mặt phong cách ngôn ngữ

  Ở lĩnh vực này, thơ tình học trò cũng đã tạo được một dấu ấn đậm nét trước hết ở chất khẩu ngữ. Đó chính là ngôn ngữ trong giao tiếp đời thường được đưa vào thơ một cách tự nhiên. Sự diễn đạt ngôn ngữ theo lối này hoàn toàn không đối lập với ngôn ngữ nghệ thuật, bởi vì đây chính là một loại ngôn ngữ nghệ thuật đích thực. Ngôn ngữ thể hiện đúng tâm tư, tình cảm, tính cách của những cô cậu học trò hồn nhiên, ngây thơ, chân thật nhưng cũng rất hài hước, dí dỏm.

  Tính khẩu ngữ thể hiện trước hết ở những từ ngữ được dùng. Những từ này rất bình dị, không quá hoa mỹ, chải chuốt: bắt đền, ngượng hoài, buồn teo, buồn xo, thấp tha thấp thoáng, phấp pha phấp phỏng, chiều ni, o nớ, chi mô, tà tà ta…

Áo trắng là áo trắng này,

Phập pha phấp phỏng cái ngày ta vui.

                                (Áo trắng má hồng – Nguyễn Duy)

Đường về nhà qua mấy ngõ hoa,

Đừng có liếc nhìn ong bướm.

Có chi mômà chân luống cuống,

Cứ tà tà ta bước sóng đôi.

                   (Qua mấy ngõ hoa – Mường Mán)

  Đặc sắc của lời nói khẩu ngữ còn thể hiện trong những tình huống trữ tình. Tình huống quen nhau của những cô cậu học trò rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Không cần không gian quá lãng mạn với những cử chỉ ga lăng cùng với sự hòa mĩ của lời nói mà có khi chỉ là sự vô tình, cố ý:

Muốn quen không biết làm sao,

Mượn cái ống khóa khóa vào hai xe.

                         (Vô Duyên – Huỳnh Kỳ Thai)

Rồi khi cô nàng phát hiện, chàng thành thật thổ lộ dễ thương:

Thật tôi cố ý “vô tình”,

Khóa xe hai đứa để mình quen nhau.

                         (Vô Duyên – Huỳnh Kỳ Thai)

  Bên cạnh đó, để biểu đạt những sắc thái tình cảm tinh tế, thơ tình tuổi học trò còn sử dụng nhiều từ ngữ phong phú, sinh động của thiên nhiên, mây gió…

Em không thể thiếu anh,

Như cỏ cây thiếu nắng.

                      (Em chỉ ước – Phan Thị Vàng Anh)

  Hay tâm trạng của chàng trai lẽo đẽo theo cô gái mình yêu:

“O có nghe suốt dọc đường về

Sỏi đá gọi tên người yêu dấu

Hoa tầm xuân tím hoang bờ dậu

Lòng anh buồn chi lạ rứa ghê

Nón nghiên vành nắng chết đê mê”

                (Qua mấy ngõ hoa – Mường Mán)

  Điều có thể cảm nhận được, theo mạch cảm xúc tự nhiên của tuổi học trò, sự lựa chọn từ ngữ theo đó mà linh động bắt nhịp, kết vần để tạo nên những từ ngữ mới do ngẫu hứng mà nên. Từ đây mở rộng thêm trong thơ tình học trò là thứ ngôn ngữ hài hước, dí dỏm, hồn nhiên: O nớ, cái mặt khó ưa, ấy, bắt đền…

Học trò mà cũng gót sen,

Ai mà chẳng biết… muốn quen nói bừa.

Bắt đền… “cái mặt khó ưa”,

Ai xui mà đứng giữa trưa thẩn thờ.

                               (Bắt đền – Hạt cát)

  Hay những lời tỏ tình ngây thơ, quá đổi hồn nhiên của cô gái:

Tôi chưa thốt được câu nào,

Giữa tôi – em có bước nào lửng lơ.

Đột nhiên em nói ngây thơ,

Coi như hai đứa giả vờ yêu nhau.

                                   (Giả vờ - Hồ Thanh Hà)

3. Kết luận

  Từ sự phân tích những đặc trưng ngôn ngữ tình yêu trong thơ tình học trò có thể thấy rằng, các đặctrưng ngôn ngữ trên đã góp phần thể hiện được những tâm trạng, cảm xúc với những cung bậc khác nhau của những cô cậu học trò: hồn nhiên, ngây thơ, e dè, kín đáo nhưng cũng rất chân thật và mãnh liệt. Ai đọc những bài thơ tình này cũng rọi thấy mình trong đó. Đây vẫn là một vấn đề lý thú, khó có thể khai thác hết.

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

NHỚ HỘI AN





NHỚ HỘI AN



Phố Hội mênh mang nỗi nhớ thương

Một thời áo trắng đẹp sân trường

Cẩm Nam thơ mộng nhiều lưu luyến

An Hội êm đềm lắm vấn vương

Giọt nhớ bâng khuâng người viễn xứ

Men thương ngây ngất khách ngàn phương

Ai xa nơi ấy mà không nhớ

Nhà cổ, đền xưa ... nét phố phường.



                                 Hồ Thanh Hà



MỘT THOÁNG NHỚ HỘI AN



Lâu lắm chưa về thăm Hội An

Ngày xa nơi ấy nặng hành trang

Một thời áo trắng ươm mơ ngọc

Đôi mái đầu xanh ướp mộng vàng

Cứ tưởng quê hương tòn ước vọng

Đâu ngờ đất khách rẽ đường ngang

Trong ta còn đó niềm nhung nhớ

Một khúc tình ca viết dở dang ...



                             Hồ Thanh Hà



ĐÊM RẰM PHỐ HỘI



Đêm rằm phố Hội - cảnh nên thơ

Dòng nước Hoài Giang ánh lập lờ

Dáng ngọc dập dìu như cõi mộng

Đèn lồng lấp lánh ngỡ trong mơ

Nôn nao con chữ nàng thơ gọi

Lơ lửng tầng không bóng nguyệt chờ

Du khách bâng khuâng chừng lạc bước

Ngỡ mình về với ... thuở nguyên sơ.



                               Hồ Thanh Hà


Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Giả Vờ



Tôi chưa thốt được câu nào

Giữa tôi - em có bức rào lửng lơ

Đột nhiên em nói ngây thơ :

"Coi như hai đứa giả vờ yêu nhau."



Trăng in bóng đợi bên cầu

Vờ thôi! mà nhớ mà sầu nỗi chi?

Ngày qua đi, tháng qua đi

Em yêu tôi thật, có gì vờ đâu!



Bây giờ ta ở trong nhau
Cảm ơn em nhé, "giả vờ" năm xưa
 
                 Hồ Thanh Hà